Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao có người tập luyện thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh thậm chí là kiêng khem khổ sở nhưng vẫn không thể thay đổi cân nặng? Câu trả lời có thể chính là do Cortisol. Vậy thực chất Cortisol là gì? Làm cách nào để giải quyết các vấn đề liên quan đến Cortisol? Tất cả sẽ có trong nội dung bài viết dưới đây, bạn không nên bỏ qua nhé!
Nội dung chính
Cortisol là gì?
Cortisol là một loại hormone được sinh ra bởi bộ phận có tên là Zona fasciculata nằm trên vỏ thượng thận, thuộc tuyến thượng thận, dưới sự kích thích của hormone ACTH. Đây là một trong những hormone quan trọng, có vai trò như một loại tín hiệu cảnh báo, bảo vệ cơ thể trước những nguy hiểm khi căng thẳng quá mức.

Bạn đã biết Cortisol là gì hay chưa?
Bình thường, nồng độ cortisol trong máu không hề cố định. Chỉ số Cortisol luôn thay đổi tăng giảm liên tục tùy thời điểm trong ngày, cao nhất khoảng 7 giờ sáng và thấp nhất trong giai đoạn đầu của giấc ngủ. Tuy nhiên nếu chúng ta thức đêm và ngủ ban ngày, mô hình này sẽ bị đảo ngược dẫn đến hiện tượng rối loạn Cortisol.
Cơ chế sản xuất Cortisol ra sao?
Bạn có thắc mắc liệu Cortisol được sản xuất ra trong cơ thể chúng ta như thế nào không? Rất đơn giản, việc tăng hay giảm nồng độ Cortisol đều sẽ tuân theo cơ chế sau đây:
- Khi bạn gặp stress, đói hoặc vấn đề tương tự, não sẽ tiếp nhận thông tin, kích thích tuyến dưới đồi sản sinh Corticotrophin Releasing hormone (CRH).
- CRH di chuyển đến tuyến yên, kích thích sản sinh hormone ACTH.
- ACTH di chuyển đến tuyến thượng thận làm sản sinh ra Cortisol
- Khi lượng Cortisol tăng cao, não của bạn sẽ cảm nhận được và ngưng tiết CRH và ACTH. Lượng Cortisol vì thế cũng được giảm xuống. Nhờ đó bạn có thể trở nên bình tĩnh trở lại
Cơ chế này còn được gọi là vòng lặp phản hồi âm (Negative feedback loop). Với những người không thường xuyên stress, vòng lặp này ít khi bị kích hoạt. Chúng chỉ được sử dụng đều đặn để đáp ứng các nhu cầu trong ngày như báo hiệu cơ thể đến giờ cần ăn, ngủ, tập thể thao,…

Vòng lặp phản hồi âm
Tuy nhiên, đối với người thường xuyên stress hay có chế độ sinh hoạt không lành mạnh ( thức đêm ngủ ngày), Cortisol sẽ sản sinh quá mức khiến cơ thể trở nên kháng lại tín hiệu Cortisol. Tuyến yên và tuyến dưới đồi không nhận được phản hồi âm, tiếp tục kích thích làm sản sinh thêm Cortisol nhiều hơn cả khi không cần thiết.
Vai trò của Cortisol trong cơ thể người
Cơ thể người có rất nhiều loại hormone, mỗi loại hormone đều đóng vai trò nhất định đối với sự sống chúng ta. Cortisol cũng không ngoại lệ. Một số chức năng quan trọng của hormone Cortisol phải kể đến như sau:
Chống stress
Khi cơ thể ở trạng thái bình thường, nồng độ Cortisol trong máu duy trì ở mức khoảng 6-23 mg/dl. Tuy nhiên nếu có sự căng thẳng thần kinh quá mức, các chấn thương, nhiễm khuẩn cấp,…não sẽ gửi tín hiệu đến thận để tăng cường sản xuất Cortisol. Lượng Cortisol lúc này có thể tăng lên đến 300 mg/dl trong vòng 24 giờ.

Vai trò chống stress của Cortisol
Nồng độ Cortisol tăng cao khiến cho quá trình huy động acid amin, mỡ dự trữ diễn ra nhanh hơn. Từ đó giải phóng nguồn năng lượng lớn cung cấp cho hoạt động sống của các tế bào. Đây chính là một trong những cơ chế tự nhiên giúp cơ thể chuẩn bị nguồn năng lượng để đối phó với các mối đe dọa từ bên ngoài.
Đóng vai trò là hoạt chất chống viêm
Tại các vị trí viêm trên cơ thể, trong quá trình thực bào bạch cầu giải phóng enzyme phân giải protein của lysosom, khiến tình trạng viêm nhiễm trở nên nặng hơn. Cortisol có tác dụng ổn định màng lysosom, ngăn cản giải phóng các enzym phân giải, từ đó làm ức chế quá trình viêm nhiễm.
Bên cạnh đó, cortisol còn ức chế men phospholipase A2- một loại men tham gia quá trình sinh tổng hợp prostaglandin, leucotrien từ acid arachidonic. Đây chính là hai chất gây giãn mạch, tăng tính thấm thành mạch của tế bào.
Ngoài ra, thuốc Cortisol tổng hợp (hay còn gọi là Hydrocortison) được dùng để điều trị một số tình trạng dị ứng, sốc phản vệ, bệnh thấp khớp. Hoặc hỗ trợ xử lý chứng thiếu hụt Cortisol bẩm sinh.
Nồng độ Cortisol trong máu ảnh hưởng thế nào đến quá trình tập luyện?
Đối với người tập luyện thể thao, khả năng chống viêm của Cortisol là vô cùng quan trọng giúp hỗ trợ phục hồi chấn thương do tập luyện gây nên. Tuy nhiên, nếu không hiểu rõ Cortisol là gì và có cách kiểm soát sự tăng giảm Cortisol trong máu, việc tập luyện của bạn đôi khi chẳng mang lại tác dụng gì cho cơ thể.

Cortisol là kẻ thù của người tập luyện thể hình?
Do đó, điều đầu tiên bạn cần nhớ chính là việc tập luyện cường độ cao có liên quan mật thiết đến nồng độ Cortisol. Tức là bạn tập càng nhiều, thời gian nghỉ ngơi ngắn thì lượng Cortisol sinh ra càng cao.
Cortisol giúp giải phóng năng lượng, nhưng nếu bị tăng quá mức, chúng có thể gây ra tác dụng ngược như tích trữ chất béo và tăng cảm giác thèm ăn. Ngoài ra, lượng cortisol dư thừa còn khiến cơ và xương khó phát triển
Các tình trạng bệnh lý liên quan nồng độ Cortisol trong máu
Cũng giống như các loại hormone khác, Cortisol khi hoạt động bình thường có vai trò quan trọng đối với cơ thể chúng ta. Tuy nhiên, nếu hoạt động điều tiết Cortisol diễn ra bất thường ( quá cao, quá thấp hoặc không sản sinh ra Cortisol) cũng khiến cơ thể đối mặt với nhiều rủi ro ảnh hưởng sức khỏe. Dưới đây là một số bệnh lý thường gặp khi rối loạn Cortisol:
Suy tuyến thượng thận
Tuyến thượng thận là một tuyến nằm phía trên hai quả thận. Cấu tạo tuyến thượng thận gồm phần tủy và phần vỏ tiết ra Cortisol. Suy tuyến thượng thận là bệnh lý khi tuyến này sản sinh ra quá ít Cortisol làm ảnh hưởng các quá trình chuyển hóa của cơ thể. Vậy nguyên nhân làm cho tuyến thượng thận sản xuất ít Cortisol là gì?
Nguyên nhân suy tuyến thượng thận
Bất kỳ độ tuổi nào cũng có nguy cơ suy tuyến thượng thận. Đối với trẻ em, tình trạng suy tuyến thượng thận bẩm sinh xảy ra do nhận cả hai nhiễm sắc thể lặn từ bố mẹ. Điều này khiến cho tuyến thượng thận bị thiếu các enzyme cần thiết cho quá trình tổng hợp hormone cortisol.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thuốc glucocorticoid trong thời gian dài cũng là nguyên nhân chủ yếu của bệnh lý này. Những người dùng glucocorticoid quá nhiều sẽ ức chế hoạt động của tuyến thượng thận. Thậm chí khi ngưng sử dụng thuốc, tuyến thượng thận cũng không thể phục hồi lại trạng thái bình thường.
Nghiêm trọng hơn, nếu lúc này bệnh nhân gặp phải tình trạng stress nặng thì sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, bệnh nhân nhiễm nấm virus, bị khối u, sử dụng thuốc ngăn ngừa đông máu hoặc có tiền sử phẫu thuật tuyến thượng thận cũng có nguy cơ gặp bệnh lý này.

Vị trí tuyến thượng thận trong cơ thể
Triệu chứng của bệnh nhân suy tuyến thượng thận
Đối với người mắc bệnh suy tuyến thượng thận thường sẽ xuất hiện những triệu chứng dễ gặp như:
- Cơ thể thường xuyên rơi vào trạng thái mệt mỏi, chán ăn.
- Chóng mặt, buồn nôn và nôn
- Thường xuất hiện cơn sốt đột ngột, hoặc đau ở vùng chân và lưng
- Huyết áp thấp, nhịp tim cao, cơ thể hay bị lạnh
Hướng điều trị bệnh suy tuyến thượng thận
Với những dấu hiệu tuy không rõ ràng, nhưng nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh nhân suy tuyến thượng thận có thể đối diện nguy cơ đe dọa sức khỏe và cả tính mạng. Vậy hướng điều trị khi gặp tình trạng rối loạn sản xuất Cortisol là gì? Phương pháp được dùng điều trị thường nhất chính là sử dụng thuốc Cortisol tổng hợp (hydrocortison) 25-30 mg/ngày qua đường uống.
Tuy nhiên, việc điều trị này cũng cần căn cứ vào tình trạng bệnh lý, sử dụng các liều dùng thấp nhất để tránh hiện tượng mệt mỏi, giảm cân, sạm da. Đặc biệt, đối với trẻ em cần có phác đồ điều trị riêng, phù hợp tình hình sức khỏe và cân nặng của bé.
Hội chứng Cushing
Hội chứng Cushing là một tình trạng bệnh lý do rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận khiến việc sản xuất Cortisol bị dư thừa. Thông thường, quá trình sản xuất Cortisol được điều tiết bởi hormone adrenocorticotropic (ACTH). Nếu cơ thể gặp tình trạng u hoặc rối loạn tuyến yên có thể gây tiết nồng độ ACTH, kích thích vỏ thượng thận sản xuất ồ ạt Cortisol không cần thiết.
Ngoài ra việc tiếp xúc với liều lượng cao hormone cortisol trong một thời gian dài cũng là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng Cushing. Vì thế, người sử dụng thuốc corticosteroid để điều trị một số bệnh như bệnh suyễn, viêm khớp, bệnh viêm ruột,… nếu thấy những triệu chứng sau cần gặp ngay bác sĩ để thăm khám:
- Cân nặng khó thay đổi, bụng to, mặt tròn hay ửng đỏ, cục mỡ giữa vai nhưng tứ chi mỏng , cơ bắp yếu.
- Da mỏng, dễ bầm tím, chậm chữa lành các vết thương hở
- Hay nhức đầu, dễ mất kiểm soát cảm xúc, hay lo âu và dễ cáu gắt
- Lông tóc dày, mụn trứng cá
- Kinh nguyệt không đều đối với phụ nữ hoặc liệt dương ở nam giới
- Cao huyết áp, loãng xương (đặc biệt là xương sườn và xương sống)
- Không dung nạp glucose nên có thể dẫn đến bệnh tiểu đường.

Hội chứng Cushing
Tuy hội chứng Cushing không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nhưng nếu không điều trị kịp thời, về lâu dài sẽ làm mất khả năng phục hồi tuyến thượng thận. Vậy phương pháp điều trị bệnh lý liên quan rối loạn Cortisol là gì trong trường hợp này?
Phương pháp điều trị thường sẽ còn tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Điển hình như việc cắt bỏ khối u tuyến giáp, u tuyến thượng thận. Ngoài ra việc ngưng dùng thuốc corticosteroid cũng cần được xem xét giảm dần để điều trị hội chứng Cushing.
Cách để kiểm soát nồng độ Cortisol là gì?
Để đảm bảo cơ thể hoạt động bình thường, việc kiểm soát nồng độ Cortisol là vô cùng cần thiết. Một số cách kiểm soát có thể áp dụng như sau:
Kiểm soát căng thẳng
Là một chất đóng vai trò chống stress, căng thẳng. Nhưng khi rối loạn chuyển hóa Cortisol lại có thể làm ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ, thậm chí trầm cảm, stress kéo dài. Do đó, kiểm soát căng thẳng chính là cách tốt nhất để giữ hoạt động tăng giảm cortisol được ổn định.

Kiểm soát căng thẳng giúp kiểm soát nồng độ Cortisol
Bạn có thể thử áp dụng phương pháp hít thở sâu với bài tập thở bụng 20-30 phút mỗi ngày. Đồng thời bạn nên dành 12 phút mỗi sáng để thư giãn. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, Cortisol thường được tiết ra nhiều nhất vào sáng sớm. Bằng cách dành ra 12 phút mỗi sáng để thư giãn, bạn có thể hạ nồng độ hormone gây căng thẳng Cortisol. Ngoài ra, việc tham gia các lớp học như thiền, yoga kết hợp âm nhạc cũng là gợi ý để kiểm soát căng thẳng hiệu quả.
Thiết lập lối sống lành mạnh
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng căng thẳng kéo dài chính là mất ngủ. Do đó, bạn cần đảm bảo kế hoạch sinh hoạt trong ngày sao cho có thể ngủ đủ giấc và đúng giờ. Tránh xa tuyệt đối thói quen “ngủ ngày cày đêm”-tức là thức trắng ban đêm và ngủ bù vào sáng hôm sau. Bởi việc này sẽ tăng cường rối loạn quá trình sản xuất Cortisol.
Bên cạnh đó, một lối sống lành mạnh còn cần có chế độ tập luyện thể thao kết hợp nghỉ ngơi hợp lý. Chẳng hạn các bài tập aerobic giúp tiết endorphin còn tập thể hình lại giúp sản sinh hormone tăng trưởng. Tất cả đều có tác dụng ngăn chặn và kiểm soát nồng độ Cortisol
Lưu ý không nên để cơ thể rơi vào tình trạng sử dụng năng lượng cạn kiệt. Cần chăm sóc cơ thể bằng cách cung cấp thức ăn giàu Carb và Protein sau buổi tập. Đồng thời bạn cần phải nghỉ ngơi để cơ thể đủ thời gian cho việc phục hồi và tái tạo cơ bắp.
Xác định tình trạng bệnh lý của bản thân
Mặc dù các bệnh lý liên quan đến tăng giảm Cortisol thường là bệnh mãn tính và chưa có hướng điều trị dứt điểm. Nhưng việc sớm nhận biết tình trạng bệnh của bản thân thông qua các triệu chứng như đã kể trên là cách hiệu quả để kiểm soát nồng độ Cortisol. Khi nghi ngờ cơ thể mắc các bệnh lý liên quan, bạn cần sớm liên hệ bác sĩ để thực hiện sớm các xét nghiệm.

Xét nghiệm máu để sớm xác định các bệnh lý liên quan rối loạn tăng giảm Cortisol
Mặt khác, bạn cũng không nên tự ý dùng thuốc kháng viêm không rõ nguồn gốc hoặc khi không có chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt là đối với các loại thuốc dùng cho trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do đa số các thuốc kháng viêm, giảm đau hiện nay đều có thành phần chứa corticoid. Đây là biện pháp giúp bạn phòng ngừa các chứng bệnh liên quan khả năng tăng giảm Cortisol không cần thiết ở cơ thể người.
Trên đây là những thông tin đầy đủ và chính xác nhất về Cortisol. Hy vọng những thông tin này đã giúp bạn giải quyết thắc mắc Cortisol là gì và những bệnh lý liên quan. Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết.