“Đàn ông sao Hỏa – Đàn bà sao Kim”. Đã bao giờ bạn tự hỏi: vì sao nam giới và nữ giới lại có sự khác biệt rõ rệt cả về mặt hình thái lẫn tâm sinh lý? Điều gì làm nên những đặc tính riêng biệt mà chỉ có trên cơ thể người nam? Câu trả lời đơn giản chính là do testosterone. Vậy rốt cuộc testosterone là gì? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này trong nội dung bài viết dưới đây nhé!
Nội dung chính
Testosterone là gì?
Testosterone là tên gọi của hormone sinh dục nam. Đây là một loại hormone steroid thuộc nhóm androgen. Testosterone được sản xuất chủ yếu từ tế bào Leydig trong tinh hoàn của nam giới (chiếm 95%) và một ít ở buồng trứng của nữ giới . Ngoài ra, một lượng nhỏ Testosterone cũng được tiết ra bởi tuyến thượng thận.
Hormone Testosterone sản sinh sớm nhất vào tuần thứ 7 sau khi thụ thai, nhiều nhất ở giai đoạn dậy thì và bắt đầu giảm dần sau tuổi 35. Đây chính là loại nội tiết tố có vai trò quan trọng bậc nhất đối với sức khỏe sinh sản và khả năng tình dục của các quý ông.
Cơ chế sản xuất hormone Testosterone
Testosterone được tổng hợp từ cholesterol. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc lượng cholesterol càng cao thì Testosterone cũng tăng tương ứng. Bởi nồng độ Testosterone được kiểm soát dựa vào hoạt động của não bộ mà cụ thể là vùng dưới đồi và tuyến yên.
Vùng dưới đồi sau khi giải phóng gonadotrophin sẽ ra lệnh cho tuyến yên sản xuất hormone luteinising. Hormone này sẽ theo đường máu đến cơ quan sinh dục, kích thích sản xuất và giải phóng hormone Testosterone.
Khi nồng độ Testosterone bắt đầu tăng cao, hormone giải phóng gonadotrophin tại vùng dưới đồi sẽ nhận tín hiệu ngừng sản xuất. Nhờ đó, tuyến yên cũng ngưng việc sản sinh hormone luteinising làm cho nồng độ Testosterone cũng giảm xuống. Khi đó vùng dưới đồi lại nhận được tín hiệu này và tiếp tục sản xuất hormone để giải phóng gonadotrophin.
Vai trò của hormone testosterone
Cơ thể con người vốn tồn tại rất nhiều điều thú vị. Kể từ khi khám phá ra hormone Testosterone, các nhà khoa học cũng cảm thấy vô cùng ngạc nhiên về vai trò của chúng đối với sự hình thành và phát triển của loài người, cụ thể như sau:
Đối với nam giới
Không phải tự nhiên mà Testosterone được gọi với tên khác là nội tiết tố nam. Bởi lẽ đây chính là loại hormone mang tính chi phối hầu như mọi vấn đề liên quan đến toàn bộ cơ thể phái mạnh.
Hệ thống sinh sản
Khi mới bắt đầu hình thành phôi thai, cả hai giới tính đều có chung một rãnh sinh dục. Tức là cơ quan sinh dục ở cả hai loài đều giống hệt nhau. Vào khoảng tuần thứ 7-8, nhiễm sắc thể Y sẽ chỉ đạo cho cơ thể sản sinh ra lượng Testosterone để hình thành cơ quan sinh dục nam. Do vậy, đây cũng chính là vai trò quan trọng đặc biệt nhất của hormone Testosterone đối với người nam ngay từ những năm tháng đầu đời.
Khi đến giai đoạn dậy thì, nồng độ Testosterone trong người nam tăng cao giúp tinh hoàn và dương vật dần hoàn thiện hơn. Testosterone cũng tham gia chi phối chức năng phát triển đặc tính sinh dục thứ phát, thúc đẩy dậy thì và quá trình sản sinh tinh trùng.
Hệ thần kinh trung ương
Dựa theo cơ chế sản sinh Testosterone, có thể thấy việc tăng giảm Testosterone cũng có tác động theo chiều ngược lại đối với vùng dưới đồi ở não. Khi đến tuổi dậy thì, lượng Testosterone tăng cao đột ngột có ảnh hưởng nhất định đến một số hành vi nhất định. Chẳng hạn như sự hung hăng, nóng nảy, tâm lý muốn thể hiện bản thân hoặc có thể là khả năng muốn làm lãnh đạo.
Mặt khác, nếu giai đoạn này người Nam có sự tham gia vào các hoạt động cạnh tranh sẽ là yếu tố dẫn đến việc gia tăng nồng độ Testosterone. Ngược lại, Testosterone thấp chính là nguyên nhân gây ra tâm lý tự ti, giảm động lực hay thậm chí là stress, mất ngủ kéo dài.
Hình thái bên ngoài
Một trong những cách nhận biết sự tác động của Testosterone chính là đánh giá qua hình thái bên ngoài của Nam giới. Khi bắt đầu giai đoạn dậy thì, Testosterone tác động làm giọng nói trầm hơn, kích thích sự mọc tóc trên đầu và mọc lông ở một vài vị trí như nách, bắp chân và xung quanh cơ quan sinh dục.
Bên cạnh đó, Testosterone cũng ảnh hưởng đến tiến trình hình thành và phát triển các khối cơ. Điều này có được là do Testosterone tương tác với các thụ thể trong gen dẫn đến sự tổng hợp protein, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất béo.
Ngoài ra, Testosterone còn giúp đẩy nhanh việc sản xuất các tế bào hồng cầu từ tủy xương, dẫn đến sự phát triển chiều cao nhanh chóng. Chính vì thế, nồng độ Testosterone tăng cao chính là chìa khóa vàng giúp các quý ông có được thân hình cao lớn, rắn chắc nếu có sự kết hợp việc luyện tập trong giai đoạn này.
Đối với nữ giới
Không chỉ ở người Nam, trong cơ thể người Nữ cũng tồn tại một lượng Testosterone nhất định. Tuy nhiên, phần lớn Testosterone sản xuất ở buồng trứng phụ nữ đều sẽ được chuyển đổi thành Estradiol-một loại hormone sinh dục nữ.
Tương tự như testosterone, hormone Estradiol có vai trò quan trọng giúp làm nên sự thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài cơ thể người phụ nữ. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất của Estradiol chính là quyết định chức năng sinh sản bình thường của nữ giới( bao gồm khả năng thụ thai và sinh con)
Điều gì xảy ra khi cơ thể suy giảm Testosterone?
Cũng giống như các loại hormone khác trong cơ thể, việc tăng hoặc giảm Testosterone quá mức bình thường đều gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến sức, đặc biệt là Nam giới. Theo lẽ tự nhiên, Testosterone trong cơ thể người Nam sẽ giảm dần khi vào giai đoạn mãn dục (tầm khoảng sau 35-40 tuổi).
Thế nhưng, tỷ lệ suy giảm Testosterone hiện nay đang có dấu hiệu trẻ hóa do nhiều yếu tố tác động. Vậy thực chất nguyên nhân và triệu chứng cụ thể của suy giảm Testosterone là gì?
Nguyên nhân suy giảm Testosterone
Tuổi tác ngày càng cao
Đi cùng với quá trình lão hóa, nồng độ Testosterone cũng giảm dần theo thời gian. Theo nghiên cứu khoa học, sau tuổi 40 cứ mỗi năm thì cơ thể nam giới lại giảm đi 1,6% lượng Testosterone. Sự sụt giảm này kéo theo tác động xấu về mặt ngoại hình lẫn sức khỏe bên trong
Tinh hoàn gặp vấn đề
Do 95% lượng Testosterone đều được sản xuất tại tinh hoàn. Vì thế, việc suy giảm Testosterone bất thường phần lớn có nguồn gốc từ việc tinh hoàn có vấn đề, cụ thể như viêm tinh hoàn hoặc tinh hoàn bị tổn thương. Đây có thể là hệ quả của các bệnh truyền nhiễm như lậu, quai bị,..Ngoài ra, tiến hành hóa xạ trị đối với bệnh nhân ung thư cũng có thể là nguyên nhân gây hỏng tinh hoàn.
Thừa cân béo phì
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, tình trạng thừa cân béo phì chính là thủ phạm gây ra hàng loạt các chứng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Đặc biệt phải kể đến vấn đề suy giảm Testosterone ở nam giới.
Các chuyên gia y tế cảnh báo, vòng bụng của người nam càng lớn càng là dấu hiệu cho thấy khả năng suy giảm Testosterone càng cao. Bởi lẽ sự gia tăng tỷ lệ mỡ trong máu góp phần làm chậm đi quá trình lưu thông giữa các bộ phận liên quan quá trình sản xuất testosterone.
Ngược lại, suy giảm Testosterone cũng khiến người Nam giảm sức chịu đựng khi tập luyện các bài tập thể dục. Từ đó dẫn đến tâm lý chán nản, tự ti và không có động lực để cải thiện cân nặng của họ.
Căng thẳng, stress kéo dài
Cơ thể chúng ta vốn tồn tại một cơ chế giúp bảo vệ cơ thể tránh các cơn mệt mỏi bắt nguồn từ stress, căng thẳng. Để làm được điều này, cơ thể cần phải giải phóng một loại hormone có tên gọi là Cortisol. Đây cũng là một loại hormone nằm ở tuyến thượng thận và chịu sự chi phối của vùng đồi dưới thùy tương tự Testosterone.
Tuy nhiên, việc giải phóng Cortisol nồng độ cao sẽ làm ngăn chặn và ức chế quá trình sản xuất Testosterone. Đồng thời hoạt động này cũng làm tiêu tốn không ít lượng Testosterone sẵn có trong cơ thể. Chính vì thế, nếu để cơ thể liên tục lặp lại quá trình này trong thời gian dài sẽ là nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy giảm Testosterone ở bất kỳ độ tuổi nào của Nam giới.
Triệu chứng suy giảm Testosterone
Trên thực tế, việc tự chẩn đoán cơ thể có thiếu hụt Testosterone cũng không hề khó. Tuy vậy, với tâm lý e ngại, sợ phát hiện bệnh, một số bệnh nhân khi đến khám bác sĩ thường phải đến khi mức độ Testosterone đã giảm rất thấp. Điều này gây không ít khó khăn cho quá trình điều trị. Chính vì thế, tất cả mọi người nên tìm gặp bác sĩ để chẩn đoán khi cơ thể có các dấu hiệu như sau:
- Giai đoạn dậy thì: Việc rối loạn suy giảm Testosterone trong giai đoạn này sẽ làm quá trình tăng trưởng chậm lại. Giảm sự phát triển của lông, tóc, dương vật và tinh hoàn. Người nam sẽ cảm thấy cơ thể dễ mệt mỏi, sức chịu đựng kém đi.
- Giai đoạn trưởng thành: Nồng độ Testosterone giảm dẫn đến tình trạng teo cơ, tăng mỡ, rụng lông và tóc, nếp nhăn xuất hiện nhiều vùng trên cơ thể. Bên cạnh đó, hoạt động cũng như nhu cầu tình dục giảm mạnh, khó cương dương và giảm số lượng tinh trùng.
Điều gì xảy ra khi cơ thể tăng nồng độ Testosterone quá mức?
Cũng là một dạng rối loạn nội tiết tố, việc tăng nồng độ Testosterone quá mức gây không ít ảnh hưởng đến sức khỏe cả nam lẫn nữ giới.
Đối với trường hợp của nữ giới
Mặc dù là nội tiết tố đặc trưng của nam giới, song việc xét nghiệm nồng độ Testosterone cũng là cơ sở đánh giá một số tình trạng bệnh lý ở nữ giới. Chính bởi hormone này quyết định các đặc tính riêng biệt của phái mạnh, do đó nồng độ Testosterone cao gây ảnh hưởng không chỉ ngoại hình mà còn tiềm ẩn một số vấn đề về khả năng sinh sản.
Buồng trứng đa nang có thể là dấu hiệu cảnh báo cho thấy nồng độ Testosterone tăng cao quá mức bình thường. Người mắc bệnh này thường có các triệu chứng đặc trưng như: chu kỳ kinh nguyệt thất thường, nổi mụn trứng cá, rậm lông (có thể có ria mép), tóc mỏng, giọng nói trầm, cơ bắp phát triển. Buồng trứng đa nang cũng là nguyên nhân hàng đầu gây ra tỷ lệ vô sinh cao ở phụ nữ hiện nay.
Đối với trường hợp của nam giới
Có một quan niệm mà rất nhiều người, đặc biệt là phái mạnh hay lầm tưởng chính là chỉ có suy giảm Testosterone mới làm ảnh hưởng sức khỏe. Chính vì thế, không quý ông với tâm lý hoang mang, lo ngại sức khỏe sinh lý của mình nên tìm đủ mọi cách nhằm kích thích quá trình sản sinh Testosterone.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc gia tăng Testosterone quá mức cũng khiến cơ thể đối diện với nhiều rủi ro vô cùng nguy hiểm. Vậy tình trạng tăng cao quá mức Testosterone là gì và tại sao cần phải kiểm soát nồng độ Testosterone?
Nguyên nhân khiến nồng độ Testosterone tăng quá mức
Bình thường, nồng độ Testosterone lý tưởng nên duy trì ở mức 400-600 ng/dL (đối với người nam khỏe mạnh). Tuy nhiên, khi nồng độ Testosterone thường xuyên vượt quá mức bình thường có thể là kết quả của một số bệnh lý như : khối u ở tuyến thượng thận hoặc tuyến yên, xơ gan hoặc viêm gan,…
Ngoài ra việc tiếp xúc các yếu tố bên ngoài cộng thêm lối sinh hoạt không lành mạnh, chẳng hạn như stress thường xuyên, tập thể dục quá mức, lạm dụng các loại thuốc progestogel, steroid, thuốc an thần,…cũng là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng Testosterone bất thường.
Hậu quả của việc tăng quá mức Testosterone là gì?
Nếu biết hậu quả của việc tăng quá mức Testosterone là gì, tin chắc rằng bạn sẽ phải suy nghĩ lại ý định dùng các loại thuốc kích thích sản sinh Testosterone mà không có sự tham vấn của bác sĩ đấy!
Biểu hiện bên ngoài dễ nhận biết ở người dư thừa Testosterone bao gồm: tính tình hung hăng vô cớ, dễ có suy nghĩ tiêu cực với cuộc sống xung quanh, nổi mụn trứng cá, tăng cân nhanh, lông tóc mọc nhanh và dày. Bên cạnh đó, các dấu hiệu bên trong sẽ gồm nhức đầu thường xuyên, khó tiểu, xuất tinh sớm,…
Ngoài ra, đây còn là nguyên nhân dẫn đến một số bệnh lý nghiêm trọng khác như : vô sinh (do giảm khả năng vận động của tinh trùng), teo tinh hoàn, các bệnh lý về tim mạch,….
Cách để kiểm soát nồng độ Testosterone
Sau khi hiểu rõ Testosterone là gì, có lẽ điều bạn mong chờ nhất lúc này chính là cách thức làm thế nào để có thể kiểm soát và duy trì nồng độ Testosterone bình thường đúng không nào? Tuy vậy, điều đầu tiên chúng ta cần làm chính là phải đánh giá chính xác tình trạng sinh lý của nội tiết tố Testosterone trong cơ thể.
Và xét nghiệm máu chính là cách đơn giản, hiệu quả nhất để xác định mức độ Testosterone có bình thường hay không. Tiếp theo tùy vào tình trạng của cơ thể, chúng ta có thể áp dụng các cách sau để điều trị và kiểm soát nồng độ Testosterone:
Sử dụng liệu pháp thay thế Testosterone
Đối với người nam suy giảm Testosterone gây ảnh hưởng nặng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống, chúng ta có thể bổ sung trực tiếp Testosterone vào cơ thể. Hình thức bổ sung có thể được thực hiện qua đường uống, tiêm hoặc sử dụng miếng dán qua da.
Liệu pháp này sẽ tạo ra nhiều kết quả mong muốn như khiến cho cơ bắp lớn hơn, tăng nhu cầu tình dục cao hơn,…Tuy nhiên, việc điều trị này cũng có thể có tác dụng nếu lạm dụng, chẳng hạn như tức ngực, khó thở, giảm sản xuất tinh trùng,…Do đó, chúng ta cần tuyệt đối không được tự ý bổ sung Testosterone khi không có chỉ định của bác sĩ.
Phương pháp làm giảm sự gia tăng quá mức của Testosterone
Nếu bạn đang dùng các loại thuốc steroid đồng hóa khiến mức độ Testosterone tăng quá mức, cách đơn giản bạn có thể thực hiện chính là chỉ cần ngừng việc sử dụng. Bên cạnh đó, đối với phụ nữ có Testosterone cao mãn tính, bạn có thể cân nhắc việc sử dụng các loại thuốc kháng androgen.
Để đảm bảo an toàn, bác sĩ có thể yêu cầu sử dụng các loại thuốc này ở liều thấp trong vòng 6 tháng. Đây là biện pháp nhằm đánh giá khả năng dung nạp cũng như hạn chế tác dụng phụ do thuốc gây ra
Kiểm soát nồng độ Testosterone bằng phương pháp tự nhiên
Tuy việc can thiệp bằng thuốc có thể mang lại hiệu quả nhanh chóng, song nguy cơ đối mặt với tác dụng phụ cũng rất cao. Do đó, sử dụng phương pháp tự nhiên chính là hướng đi an toàn, hiệu quả và bền chắc nhất. Bằng cách xây dựng lịch sinh hoạt ăn uống, nghỉ ngơi và tập luyện thể thao, bạn hoàn toàn có thể chủ động kiểm soát nồng độ Testosterone trong cơ thể chúng ta.
Như vậy, bài viết đã cung cấp cái nhìn tổng quan nhất về hormone Testosterone. Hy vọng với những thông tin trên đây, bạn có thể giải quyết thắc mắc Testosterone là gì. Cám ơn bạn đã theo dõi bài viết. Nếu thấy thông tin trên là hữu ích, bạn đừng quên chia sẻ cho người thân, bạn bè của mình nữa nhé!